TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN SẴN SÀNG THỊ TRƯỜNG CARBON TOÀN CẦU (PARTNERSHIP FOR MARKET READINESS – PMR)

Sáng kiến Sẵn sàng thị trường carbon (Partnership for Market readiness – PMR) do Ngân hàng Thế giới tổ chức thực hiện đã tạo ra Diễn đàn tập hợp các ý tưởng tưởng, đề xuất kỹ thuật và nguồn lực tài chính hỗ trợ các quốc gia, khu vực nâng cao năng lực triển khai các hành động giảm phát thải khí nhà kính. Sáng kiến PMR được triển khai trong khuôn khổ Chương trình PMR toàn cầu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hỗ trợ các quốc gia thực hiện các nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính bằng công cụ định giá carbon (carbon pricing instruments).

Chương trình PMR toàn cầu đến nay đã có trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ được hỗ trợ kỹ thuât và tài chính để nghiên cứu từ tiềm năng áp dụng đến việc thử nghiệm, thí điểm các công cụ thị trường như thuế, phí, thiết lập thị trường mua bán hạn ngạch phát thải carbon. Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, Diễn đàn PMR toàn cầu đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia kỹ thuật hợp tác giữa các quốc gia, chia sẻ thông tin, kiến thức và các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, triển khai cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra, các báo cáo nghiên cứu về xây dựng và triển khai thị trường carbon toàn cầu,…. Chi tiết tham khảo tại website: https://thepmr.org.

ĐỊNH GIÁ CARBON – VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM TRONG CÁC NGHIÊN CỨU CỦA PMR Ở CÁC QUỐC GIA

Việc định giá carbon thông qua các công cụ tài chính như thuế, mua bán carbon được xem là một trong biện pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Nhiều chính phủ các quốc gia trong khuôn khổ Chương trình PMR đã theo đuổi các nghiên cứu chính sách định giá carbon và lồng ghép vào chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia. Chương trình PMR đã cam kết hỗ trợ các Chính phủ thiết kế và thực thi các chính sách về định giá carbon, bao gồm hệ thống mua bán carbon (ETS – Emission Trading Scheme), carbon taxes và cơ chế tạo tín chỉ (Crediting) và cơ chế bù trù (offset). Một số nghiên cứu điển hình và kết quả triển khai Dự án PMR ở các quốc gia cụ thể như sau:

Argentina: Nghiên cứu khả năng thiết lập hệ thống mua bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó sẽ triển khai chính sách thuế carbon tại quốc gia này.

Costa Rica hiện nay đang nghiên cứu xây dựng thị trường carbon nội địa thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích các hành động tự nguyện, tiếp cận đến thực thi các quy định, hướng dẫn của chương trình. Với sự hỗ trợ của PMR, Costa Rica đã tái khởi động lại chương trình chuyển đổi carbon, tập trung nghiên cứu cơ chế bù trừ, từ đó sẽ thiết kế chương trình mua bán tự nguyện, giai đoạn đầu sẽ thí điểm ở một số ngành công nghiệp.

Chile: Đã ban hành thuế carbon đối với các một số loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí và áp thuế đối với một số nguồn thải lớn như các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên, mức thuế hiện tại còn thấp (5$/tấn CO2). Chính phủ Chile đang nghiên cứu tăng mức thuế carbon và giảm các loại thuế khác có liên quan như thuế môi trường, từ đó dần hình thành hệ thống mua bán carbon ETS ở trong nước.

Ấn Độ: Đã và đang vận hành hệ thống đăng ký các công cụ thị trường (Market Based Instrument - MBIs), nghiên cứu các cơ chế để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và các ngành. Trong ngắn hạn, Ấn Độ dự kiến áp dụng công cụ định giá carbon đối với lĩnh vực quản lý chất thải.

Trung Quốc: Là quốc gia có nhiều bước tiến trong nghiên cứu và vận hành thị trường mua bán carbon nội địa. Trung Quốc đã công bố hệ thống ETS tháng 12 năm 2017, giai đoạn ban đầu đã triển khai thí điểm một tỉnh, thành phố lớn tại Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến,…thí điểm vận hành đối với lĩnh vực sản xuất điện, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nhà nước.

MỘT SỐ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM CỦA DỰ ÁN PMR CỦA VIỆT NAM (VNPMR – VIETNAM PARTNERSHIP FOR MARKET READINESS’PROJECT)

Dự án VNPMR đã được Đại Hội đồng PMR của Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 8 năm 2014. Sau một thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các tài liệu, thủ tục nội bộ theo quy định của pháp luật, Dự án VNPMR đã được Chính phủ phê duyệt năm 2017 và chính thức triển khai thực hiện từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2020, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với sự tham gia của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tham gia thực hiện các hợp phần nghiên cứu của các ngành/lĩnh vực, cụ thể:

- Hợp phần của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành các nghiên cứu đề xuất và xây dựng một số chính sách, công cụ quản lý nhà nước liên quan đến thị trường carbon.

- Hợp phần do Bộ Xây dựng quản lý sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn.

Hợp phần do Bộ Công Thương chủ trì dự kiến nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm NAMA (Nationally Appropriate Mitigation Actions) tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đề xuất lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép.

Hiện nay, Dự án VNPMR đang trong giai đoạn tuyển tư vấn để tham gia thực hiện các nghiên cứu do Ban quản lý dự án đặt hàng. Dự kiến các nghiên cứu sẽ được thực hiện đồng thời trong giai đoạn 2019-2020. Cũng trong giai đoạn này, Ban quản lý Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn cho các bên liên quan, trang bị các kiến thức cơ bản đến chuyên sâu trong việc thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường mới về giảm phát thải, các công cụ tài chính định giá carbon như thuế, phí, cơ chế mua bán, bù trừ, hạn ngạch phát thải,…Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Dự án sẽ báo cáo Chính phủ xem xét lựa chọn các đề xuất chính sách liên quan đến định giá carbon để ban hành và tổ chức thực hiện trong giai đoạn Việt Nam triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs – National Determined Contributions).

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA SÁNG KIẾN PMR VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều nghiên cứu, định hướng chính sách lớn ở cấp độ từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. Các sáng kiến thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải đã được hình thành từ rất sớm, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA – Nationally Appropriate Mitigation Actions) là một trong những sáng kiến cụ thể hóa các hành đông chính sách từ cấp độ quốc gia, được hình thành từ năm 2007 tại Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 13 tại Indonesia (COP13) và được cụ thể tại Kế hoạch hành động Bali. Kế hoạch này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các nước mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu và kêu gọi hỗ trợ quốc tế để thực hiện. Các Hội nghị sau COP13 đến COP15, các cuộc thảo luận, đàm phán trong khuôn khổ Công ước khí hậu vẫn đi vào bế tắc và chưa hình thành được cơ chế nào có hiệu quả để cắt giảm tốc độ phát thải khí nhà kính ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực, các quốc gia mới nổi, quốc gia đang phát triển có nhu cầu tăng tốc độ phát triển kinh tế hơn bao giờ hết. Nhu cầu tăng trưởng và phát triển của các quốc gia là chính đáng, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ các thiệt hại do Biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã hình thành các chương trình như Chiến lược phát thải thải thấp (LEDS – Low Emission Developemt Strategy), Dự kiến Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDCs – Intended National Determined Contributions) nay là NDCs và sẽ được tất cả Bên tham gia Công ước khí hậu cùng thực hiện từ 2021 trở đi.

Sáng kiến Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế xem là hữu hiệu để tạo động lực cho tất cả các bên tham gia các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các hành động tự nguyện như NAMA, chuyển thành các cơ chế bắt buộc khi các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết carbon sẽ hình thành ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, các quốc gia tập trung nghiên cứu các chính sách của quốc gia để phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời cũng là giai đoạn chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những cơ chế chính sách mới liên quan đến phát thải carbon. Các chính sách này sẽ tác động đến cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội, nó có thể đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

Do đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm những nội dung sau để nâng cao khả năng thích ứng với những cơ chế, chính sách mới của quốc tế cũng như của các khu vực và quốc gia, cụ thể:

1) Chủ động nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật các thông tin mới nhất về các chính sách có liên quan như thuế carbon, nhãn carbon, thị trường carbon;

2) Tích cực, chủ động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong tình hình mới, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu;

3) Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, minh bạch và kiểm soát phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến sử dụng năng lượng;

4) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để giảm mức phát thải carbon trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

5) Tìm kiếm và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa sử dụng công nghệ, năng lượng hiệu quả để giảm dấu vết carbon trên sản phẩm trong chuối cung ứng hàng hóa.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến các cơ chế, chính sách mới về phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ các nghiên cứu gần đây của ngành và của quốc tế, các cơ chế chính sách này có thể sẽ biến thành các cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản nếu chúng ta không nhận thức đúng và có kế hoạch để vượt qua.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

(Văn phòng Sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CÔNG TY TNHH MÁY VÀ THIẾT BỊ CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT - MÔI TRƯỜNG MECIE
Văn phòng Miền Bắc: Tầng 5, tòa nhà Nam Hải Lakeview, Lô 1/9A, KCN Vĩnh Hoàng, Hoàng Mai, Hà Nội
Văn phòng Miền Nam: Số 3, đường 7, KDC Cityland, quận Gò Vấp, TP.HCM
Văn phòng Miền Tây: Số 34 đường Trần Bình Trọng, phường 5, khóm 5, thành phố Cà Mau
Hotline
0961.628.998 - Email: [email protected]


Tin Tức Khác

  0965 355 519
m.me/mecie.vn
Hotline: 0965 355 519